Dọc đường tới thành phố Tam Kỳ, bên cạnh quốc lộ 1, thuộc xã Tam An, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 5km về phía bắc, tỉnh Quảng Nam, bạn sẽ được nhìn thấy Tháp Chiên Đàn, một trong những ngôi tháp cổ của Chăm Pa, gồm một cụm ba tháp Chàm đứng song song với nhau theo trục bắc – nam, hướng mặt về phía đông.
Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 11, trong thời kỳ Champa chuyển kinh đô từ Quảng Nam về Bình Định, dưới thời vua Yan Pu Ku Vijaya. Tháp Chiên Đàn hiện có cả một khu tháp gồm ba ngôi tháp khá lớn, tuy nhiên chỉ còn ngôi tháp Trung tâm là còn khá nguyên vẹn và còn giữ được hình thù của một ngôi tháp còn nguyên phần thân và một tầng phía trên, còn hai ngôi tháp còn lại, tháp Nam và tháp Bắc đã mất hoàn toàn các tầng phía trên, chỉ còn lại phần thân tháp, chỉ còn ngôi tháp trung tâm là còn khá nguyên vẹn
Cả ba ngôi tháp cùng đứng song song, sát cạnh nhau trên một hàng theo trục bắc – nam và cùng hướng mặt về phía đông. Cả ba ngôi tháp đều thuộc loại tháp chăm truyền thống: tháp vuông có các tầng mái, và rất giống nhau về hình dáng, cấu trúc, trang trí. Tuy vậy kích thước của ba tháp khác nhau, tháp phía Nam lớn nhất, rồi đến tháp Trung tâm rồi tới tháp Bắc
Các tháp Chiên Đàn có dáng vẻ trang nhã và cổ điển như các ngôi tháp tiêu biểu của phong cách Mỹ Sơn, được đánh giá là phong cách đẹp nhất của nghệ thuật kiến trúc cổ Chăm Pa. Thân tháp dong dỏng cao, các tầng phía trên tỷ lệ cân đối và hài hoà, các khối dọc của các cột ốp nhô ra vừa phải đủ để tạo ra những đường nét vừa kín đáo vừa trang nhã, các vòm cửa giả không bè ra mà co lại rồi vuốt nhọn lên phía trên như hình mũi giáo. Trên các đường diềm mái bằng sa thạch có chạm một dãy mặt Kala.
Tại khu vực này còn có phòng trưng bày hiện vật Chămpa với nhiều bức phù điêu; tượng người: nữ thần, vũ nữ, các chiến sĩ cầm vũ khí; tượng linh vật: rắn Naga, chim thần Garuda, voi, sư tử, bia đá… có giá trị nghệ thuật cao được các nhà nghiên cứu và du khách quan tâm. Những tác phẩm điêu khắc trên mang phong cách nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chiên Đàn, có niên đại vào nửa cuối thế kỷ 10, là giai đoạn chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn và phong cách Bình Định.