7 loại bánh bình dân đậm chất Hội An

Chỉ với các loại nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, qua bàn tay lao động cần cù và óc sáng tạo, người Hội An đã cho ra đời các loại bánh dân dã nhưng là niềm tự hào từ bao lâu nay. Bánh được bày bán ở góc chợ, ở vỉa hè, góc đường như một nét riêng lưu giữ dấu thời gian. Người Hội An đi đâu xa, hoặc du khách khi rời Hội An, hành lý kèm theo luôn là một vài chục bánh làm quà cho người thân, đặc biệt là cho trẻ nhỏ. Đó chính là chút hương nhẹ nhàng, sâu lắng khi chúng ta muốn quay về thời thơ ấu ngọt ngào.

1. Bánh ít lá gai

Đậm chất Hội An và được nhắc đến nhiều nhất là bánh ít được làm từ lá gai trồng trong vườn nhà. Bánh ít lá gai có mặt ở hầu khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam, song tại Hội An, bánh rất được ưa chuộng bởi hương vị khác lạ. Bánh có màu đen, vị ngọt, nhưn đậu xanh giã nhuyễn xào chín, gói bằng lá chuối và đem hấp cách thủy. Bánh nhỏ, tròn trịa, khi cắn có cảm giác dai dai của lá gai quyện với đậu xanh, đậm đà và rất dễ ăn.

Nếu không thích vị ngọt, bạn có thể chọn những chiếc bánh ít nhưn mặn có màu trắng từ bột nếp. Đây chính là sáng tạo của những người thợ khi tạo ra những công thức làm bánh không nhàm chán. Bánh mặn có thêm mộc nhĩ, cà rốt là một biến thể khác lạ hoàn toàn giữa bánh ít lá gai và bánh ít mặn.

2. Bánh su sê

Mỗi lần cầm chiếc bánh su sê trên tay, câu ca dao lại văng vẳng bên tai: “Từ ngày chàng bước xuống ghe. Sóng bao nhiêu đợt phu thê rầu bấy nhiêu”. Đó là lời nhắc nhở và cũng là thông điệp về tình yêu và lòng thủy chung sâu sắc từ chiếc bánh nhỏ bé này. Bánh su sê Hội An không kiểu cách, đài các như của người miền Bắc (gọi là bánh phu thê), bánh su sê Hội An rất bình dân và có mùi vị ngọt nhẹ nhàng.

Su sê thường có màu vàng (hoặc trắng) trong veo của bột lọc, lẫn trong đó là những sợi dừa bào nhỏ, khi ăn có cảm giác vừa dẻo vừa giòn. Người ta hay lẫn lộn giữa bánh ít lá gai và bánh su sê, bởi vì hình dáng hao hao giống nhau. Nếu tinh ý, bạn sẽ dễ dàng nhận ra ở cách gói truyền thống, bánh ít lá gai chỉ có một đỉnh, còn bánh su sê có hai đỉnh khi đặt bánh nằm ngang, có nơi người làm bánh cột thêm một sợi dây vào bánh su sê để tạo sự khác biệt.

3. Bánh đậu xanh

Bánh đậu xanh tuy là bánh ngọt nhưng đặc biệt ở chỗ có nhưn là mỡ lợn rán giòn, mặn mặn của vị muối. Bánh đậu xanh khô in hình chữ Vạn, được sấy rất kỹ và đóng gói cẩn thận, nên bánh để được lâu ngày. Nhiều lò bánh gia truyền thường lưu giữ những kỹ thuật, bí quyết khác nhau để tạo sự độc đáo riêng. Bánh được làm chủ yếu từ đậu xanh, rất tốt cho sức khỏe.

Có hai loại bánh đậu xanh là khô và ướt. Cả hai loại bánh này đều in bằng khuôn, hình tròn mỏng, nhỏ gọn trong lòng bàn tay. Bánh đậu xanh khô thì giòn tan, còn bánh đậu xanh ướt thì mềm mại.

4. Bánh da lợn

Mô phỏng hình dạng của cầu vồng bảy sắc, chiếc bánh da lợn rất bắt mắt và hấp dẫn. Người thợ đã khéo léo nhào nặn và tạo ra từng lớp bột mỏng dính chặt vào nhau, được cắt xén, gói gém vuông vức.

Bánh da lợn mỏng manh như cầu vồng sau mưa. Bánh mềm dẻo và dai dai, vừa miệng ăn chứ không quá ngọt, làm bạn ghiền lúc nào không hay. Bánh da lợn còn là món khoái khẩu cho những bạn thích ăn vặt.

5. Bánh xoài

Mang tên xoài – một loại trái cây nhưng bạn hầu như không tìm thấy mùi vị của xoài trong bánh. Chính vì vậy mà cái tên bánh xoài luôn gây ra chút tò mò và thắc mắc, vì sao lại có tên là “Bánh Xoài”. Thật ra bánh tên xoài vì có hình dáng thon thon giống quả xoài, hoặc cũng có thể là giống như hạt xoài.

Phủ bột lấm tấm bên ngoài, khi ăn bánh, bạn sẽ không tránh khỏi bị bột dính vào tay và lem đầy miệng, nhưng đó lại là thú vui khi ăn bánh xoài. Cầm chiếc bánh mềm mềm, nhão nhão trên tay, bạn chỉ muốn cắn để tận hưởng hết cảm giác ngọt ngào mà chiếc bánh mang lại.

6. Bánh ram

Bánh được chiên qua dầu nên bề ngoài giòn rụm. Cái tên gọi khiến bạn dễ nhầm lẫn với bánh ram ít của xứ Huế. Tuy nhiên, bánh ram Hội An là bánh ngọt, nhưn đậu xanh, cũng có thể là nhưn đậu đen ngào kỹ với đường.

Bánh ram và bánh xoài thường được bán chung với nhau tạo thành cặp đôi bánh ngọt hoàn hảo và đáng yêu. Các bà, các mẹ đi chợ thường mua hai loại bánh này về để gia đình ăn tráng miệng, đặc biệt là cho trẻ con.

7. Bánh bò

Bánh bò xốp với bề mặt gần như là những bong bóng nhỏ li ti. Bánh bò trắng tinh như trứng gà bóc: màu trắng của dừa sợi và màu trắng của bột gạo, bột năng và men bánh. Bánh bò khiến chúng ta liên tưởng đến bài dân ca “Lý dĩa bánh bò”: “Hai tay bưng dĩa cái lý bánh bò, giấu cha giấu mẹ chân đi khé né, tối trời sợ té lén đem cho trò…”.

Các loại bánh kể trên đậm chất bình dân, bình dị bởi nó được những người thợ lặng lẽ tạo ra, bày bán ở những nơi gần gũi, rất dễ tìm thấy và dễ mua. Bánh còn bình dân ở chỗ giá cả rất rẻ, chỉ một, hai ngàn, bạn đã có những chiếc bánh này. Đầu chợ Hội An có bán các loại bánh xoài, bánh bò, bánh ram, bánh da lợn… đựng trong các mẹt nhỏ; bánh đậu xanh, bánh ít lá gai, bánh su sê được bày bán trong các tủ trên các trục đường Lê Lợi, Trần Phú, Nguyễn Thái Học… trong khu phố cổ. Nói chung, đi dạo quanh phố cổ, bạn sẽ không mấy khó khăn khi muốn tìm mua các loại bánh này, chất lượng ổn và giá cả phải chăng. Bởi vậy, mua bánh không chỉ tính bằng cái mà phải tính bằng chục, bởi bạn sẽ không thể cầm lòng trước các loại bánh dân dã này.

Đến Hội An, bạn khó có thể tìm được những gì to tát vĩ đại, bởi Hội An chính là sự yên bình từ những điều nhỏ nhoi nhất. Cái kiểu “bé hạt tiêu” – tuy nhỏ nhưng đặc sắc được mọi người dùng để chỉ Hội An với tất cả tình cảm và sự quý mến. Ví như đến Hội An và dạo quanh phố cổ, bạn sẽ bắt gặp đâu đó các loại bánh rất bình dân, dám chắc bạn sẽ mua ngay lấy một vài chục mời bạn bè cùng thưởng thức. Và chắc rằng, những chiếc bánh ấy sẽ là một phần kỷ niệm khi bạn nhớ về Hội An.

hoian-tourism.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *