Trung Quốc
Cũng giống như Việt Nam, Tết cổ truyền tại Trung Quốc là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Vào những ngày này, người dân trên khắp nơi đều lần lượt trở về quê ăn tết và đoàn tụ cùng gia đình. Mừng năm mới trong tiếng Trung là “Guo Nian” – “过年好”, theo truyền thuyết thì Nian là một con quái vật luôn xuất hiện vào cuối năm để quấy phá cuộc sống của người dân nhưng điểm đặc biệt của con quái vật này là rất sợ tiếng ồn và màu đỏ. Chính vì thế, vào mỗi dịp năm mới người dân Trung Quốc đều trang trí nhà cửa với những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ, đốt pháo để mong muốn có một cái tết an lành. Đối với người Trung Quốc, mỗi năm trong lịch ứng với con vật nào thì mọi người thường tránh ăn con vật đó vào đầu năm.
Nếu Tết cổ truyền, người Việt có bánh chưng, bánh tét thì người Trung có bánh tổ (Nian Gao), đây là loại bánh truyền thống được làm từ gạo nếp cùng với đường và một chút gừng tươi. Ngoài ra, trong ngày Tết của người Trung không thể thiếu khay đựng các loại bánh kẹo, mứt, hạt dưa để tiếp khách.
Hàn Quốc
Một quốc gia châu Á khác cũng đón tết âm lịch chính là đất nước Hàn Quốc. Năm mới của người Hàn cũng bắt đầu từ ngày 1.1 âm lịch. Ngày 30 Tết, các gia đình người Hàn đều dọn dẹp nhà cửa. Buổi tối trước thời khắc giao thừa, người Hàn sẽ tắm nước nóng để tẩy trần rồi sau đó mặc trang phục truyền thống hanbok để tiến hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên.
Trong mâm cỗ cúng giao thừa của người Hàn có tới hơn 20 món, trong đó không thể thiếu món ttok – kuk (một loại phở nước), kim chi cay và món canh bánh gạo (tteokguk). Giống như phong tục của người Việt, người Hàn cũng đi chúc Tết hàng xóm, người thân, thăm viếng mộ tổ tiên và du xuân tại các địa điểm, danh lam thắng cảnh đẹp của đất nước. Trẻ em trong dịp Tết sẽ được tham gia vào các trò chơi truyền thống như kéo co, thả diều, bập bênh ở các nơi công cộng.
Triều Tiên
Đối với Triều Tiên, ngày Tết Nguyên Đán không thể thiếu hai phong tục là “đuổi quỷ” và “đốt tóc”. Phong tục đuổi quỷ được tiến hành bằng cách người dân bện một người nộm bằng rơm, nhét tiền vào trong ruột, sáng sớm mùng 1 đem vứt ra ngã tư đường với ý nghĩa xuôi đuổi ma quỷ, đón chào may mắn. Còn tục “đốt tóc” thường diễn ra vào buổi chiều ngày mùng 1, người dân sẽ gom hết tóc rụng trong cả năm để mang ra đốt với mong ước năm mới gặp nhiều may mắn, bình an.
Món ăn không thể thiếu trong dịp tết của người Triều Tiên chính là món cơm thuốc. Nguyên liệu để chế biến món ăn này bao gồm gạo nếp, mật ong, hạt dẻ, tương, mỡ, nhân hạt tùng,… Người Triều Tiên quan niệm ăn món này trong dịp lễ đầu năm thì cả năm sẽ sống sung túc và hạnh phúc.
Singapore
Một quốc gia Đông Nam Á khác cùng đón Tết âm lịch là Singapore, đặc biệt dịp Tết này diễn ra cùng thời điểm Tết Nguyên Đán của Việt Nam. Ba sự kiện nổi bật trong những ngày tết của người Singapore đó là lễ hội hoa đăng, lễ hội Singapore River Hongbao và lễ hội đường phố Chingay.
Lễ hội hoa đăng là hoạt động diễn ra đầu tiên tại khu Chinatown, đêm khai mạc thường diễn ra trước tết âm khoảng 15 đến 20 ngày. Hình ảnh trang trí thường là những con vật tượng trưng cho năm đó. Lễ hội Singapore River Hongbao được tổ chức tại công viên Esplanade gồm các hoạt động giải trí thú vị như buổi trình diễn ẩm thực các món ăn truyền thống, màn trình diễn pháo hoa, cuộc thi thư pháp và các trò chơi vui nhộn dành cho trẻ em và người lớn. Cuối cùng, lễ hội đường phố Chingay thường diễn ra vào ngày thứ bảy đầu tiên trong năm; đây là hội hóa trang lớn nhất của người dân Singapore.
Dù mỗi quốc gia có cách thức đón năm mới khác nhau nhưng tựu chung Tết Nguyên Đán là dịp để các thành viên trở về đoàn tụ cùng gia đình, cùng quây quần bên mâm cỗ tất niên và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Nhân dịp năm mới 2017, Vinpearl xin gửi lời cảm ơn tới toàn thể khách hàng đã luôn ủng hộ trong suốt một năm qua và chúc mọi người năm mới an khang, thịnh vượng và mọi sự như ý.